Các thành phần cơ bản Cơ chế mindsponge

Cơ chế mindsponge là cơ chế động và đa hợp, nên nó thường được hiển thị thông qua một sơ đồ khái niệm có dạng hình tròn đại diện cho tâm trí (mind) và môi trường xung quanh (environment). Sơ đồ bao gồm năm thành phần chính:

  1. Lõi tư duy (mindset)
  2. Vùng thoải mái (comfort zone hay buffer zone)
  3. Hệ thống đa lọc (multi-filtering system)
  4. Bối cảnh văn hóa và tư tưởng hoặc môi trường (cultural and ideological setting hoặc environment)
  5. Giá trị văn hóa hoặc thông tin (cultural values hoặc information)[1][9]

Phần ngoài cùng của hình tròn - phần có màu vàng - thể hiện bối cảnh văn hóa và tư tưởng (hay môi trường, nói chung), nơi cá nhân ở bên trong. Phần trong cùng của hình tròn - phần nhân có màu đỏ - thể hiện lõi tư duy (một tập hợp các giá trị cốt lõi). Lõi tư duy bao gồm không chỉ các giá trị văn hóa lõi mà còn bao gồm các giá trị hoặc thông tin được tin cậy (highly trusted values/information). Các giá trị lõi đó được cá nhân sử dụng làm tiêu chuẩn một cách có ý thức (consciously) hoặc tiềm thức (subconsciously) để đánh giá sự phù hợp của các giá trị (hoặc thông tin) mới được tiếp thu và đưa ra các quyết định hoặc phản hồi.

Sơ đồ khái niệm của cơ chế mindsponge

Nói cách khác, lõi tư duy ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức, thái độ và hành vi của một cá nhân. Vì chức năng này của lõi tư duy, nó tạo ra một cơ chế tự bảo vệ cho “cái tôi” của cá nhân. Điều này tương tự với lý thuyết tự khẳng định (Self-affirmation theory)[10].

Phần màu xanh ở giữa phần ngoài cùng và nhân là vùng thoải mái, hay còn gọi là vùng đệm (buffer zone).Vùng này được cấu thành bởi các giá trị hay thông tin trong tâm trí nhưng không phải là giá trị cốt lõi. Nó có hai chức năng cơ bản. Đầu tiên, bất kỳ giá trị hay thông tin nào muốn đi vào lõi tư duy đều phải đi qua vùng thoải mái, vì vậy nó giúp bảo vệ lõi tư duy khỏi những cú sốc bên ngoài khi môi trường thay đổi nhanh chóng (ví dụ: sốc văn hóa). Thứ hai, vùng thoải mái là nơi mà hệ thống đa lọc bắt đầu hoạt động để đánh giá mức độ phù hợp và hữu ích của các giá trị vừa được hấp thu. Mặc dù quá trình lọc có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong tâm trí, bất kể nó gần với lõi tư duy đến mức nào. Các giá trị hay thông tin càng tiếp cận gần với tư duy, việc đánh giá hoặc lọc sẽ càng chặt chẽ. Các màng trắng giữa các phần màu vàng / xanh lam và xanh lam / đỏ đại diện cho điểm đánh giá hoặc bộ lọc giúp cho người đọc có thể dễ liên tưởng hơn.

Hệ thống đa lọc có hai chức năng cơ bản: tích hợp (integration) và phân biệt thông tin (differentiation)[11]. Khi thông tin từ môi trường đi vào tâm trí, nó được xử lý theo hai cách. Nếu thông tin tương thích với các giá trị cốt lõi (hoặc lõi tư duy), nó sẽ được tổng hợp và cho phép tiếp cận gần hơn với lõi tư duy thông qua cơ chế tích hợp. Trong trường hợp thông tin mới xuất hiện khác với thông tin (hoặc giá trị) trong lõi tư duy, sự khác biệt sẽ được đo lường thông qua cơ chế phân biệt thông tin để đánh giá chi phí và lợi ích của việc chấp nhận hoặc từ chối các giá trị mới (hoặc thay thế các giá trị hiện có bằng giá trị mới).

Hệ thống đa lọc được điều khiển bởi bộ lọc 3D hay còn gọi là bộ lọc 3 quy tắc (triple-discipline filter)[12], khái niệm về thái độ quy nạp (notion of inductive attitude)[13], và đánh giá độ tin cậy (trust evaluation)[14][15]. Bộ lọc 3D đề cập đến 3 quy tắc đánh giá, kết nối, so sánh và tưởng tượng các giá trị mới nổi và hiện có để tạo ra thông tin chi tiết hữu ích và sẵn sàng sử dụng. Các giá trị mới nổi là thông tin được hấp thụ từ môi trường (out-of-discipline information), trong khi các giá trị hiện có là thông tin tồn tại trong tâm trí (within-discipline information). Nói cách khác, bộ lọc 3D là một “quá trình lọc thông tin chủ động có kỷ luật, bắt đầu bằng cách so sánh các thông tin và giá trị mới nổi với tiêu chuẩn (giá trị cốt lõi hiện có), chấp nhận hoặc từ chối các giá trị mới để tích hợp vào vùng thoải mái” ("proactive disciplined process of mindsponge filtering begins by comparing foreign information and values to benchmarks (the existing core values), accepting or rejecting the new values to integrate into the comfort zone”. Bộ lọc này được vận hành theo giả định rằng cá nhân nhận thức được mong muốn của mình hoặc có các ưu tiên rõ ràng.

Quy trình quy nạp của George Pólya đưa ra một cơ chế ba bước để lọc thông tin bắt đầu bằng việc nhận thấy những điểm tương đồng (hoặc tương tự) giữa các giá trị mới và giá trị hiện có[13]. Sau đó, các phép loại suy như vậy được tổng quát hóa thành các phỏng đoán, và các phỏng đoán đấy cuối cùng được kiểm tra lại trong một bối cảnh cụ thể. Thái độ quy nạp là tư duy dám thử nghiệm và kiểm tra lại một số niềm tin hiện có mà không sợ bị mâu thuẫn bởi thử nghiệm thực tế. Kết quả thử nghiệm được lưu trong tâm trí và tạo thành “người bảo vệ niềm tin”, hoặc người đánh giá sự tin cậy (trust evaluators). Vương và Napier cho rằng có ít nhất bốn cấp độ đánh giá độ tin cậy[1]:

  • Phẩm chất và giá trị cá nhân;
  • Kỳ vọng về chi phí và lợi ích trong tương lai ngắn hạn và dài hạn;
  • Khả năng xác minh khả năng thích ứng của giá trị với tư duy hiện có;
  • Tính phù hợp của các giá trị khái quát ở cấp độ triết học.

Sự hấp thụ và loại bỏ thông tin và giá trị được biểu thị bằng các mũi tên với các hướng di chuyển vào và ra tương ứng. Các mũi tên hướng đến hạt nhân thể hiện thông tin và giá trị mới nổi, trong khi các mũi tên hướng ra ngoài thể hiện các giá trị và thông tin không còn tương thích với các giá trị cốt lõi. Các luồng vào và ra là các quá trình liên tục (continuous), không ngừng nghỉ (non-stop), tạo ra tính năng cập nhật (updating feature) của cơ chế mindsponge. Tính năng cập nhật này giúp làm rõ sự khác biệt giữa bộ lọc 3D và bộ lọc đánh giá độ tin cậy. Cả 2 thoạt nhìn giống nhau vì đều liên quan đến đánh giá lợi ích và chi phí. Để giải thích rõ hơn, việc đánh giá lợi ích và chi phí của bộ lọc đánh giá độ tin cậy (trust evaluator) sử dụng các giá trị hiện có tương tự mà đã được hấp thụ, đánh giá và xác thực thông qua quy trình quy nạp trong quá khứ. Vì lý do này, các giá trị mới có thể được “vé ưu tiên” ("priority pass"), nên quá trình đánh giá thông tin ít nghiêm ngặt và ít tốn thời gian hơn để được hấp thụ vào lõi tư duy. Ngược lại, nếu không có giá trị đã được đánh giá và xác thực trước đây trong quá khứ nào tương tự với các giá trị và thông tin mới nổi, thì các giá trị và thông tin mới nổi phải được đánh giá cẩn thận như bình thường bằng bộ lọc 3D để được hấp thụ vào lõi tư duy. Trong một số trường hợp, khi thông tin được coi là hoàn toàn không đáng tin cậy, bộ lọc đánh giá độ tin cậy có thể loại bỏ thông tin đó ngay lập tức.